Truy cập nội dung luôn

Thống kê nhân viên hành nghề Khám, chữa bệnh

Phóng sự chân dung Bác sĩ Lê Thanh Bình - Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang
13/03/2014

Trong số nhiều khoa phòng của một bệnh viện, khoa cấp cứu là một trong những khoa áp lực nhất, bởi một khi vào đây, tâm lý của người bệnh, cũng như thân nhân người bệnh lúc nào cũng lo lắng và nôn nóng. Chính vì vậy, làm việc ở khoa cấp cứu, ngoài khả năng chuyên môn, còn có sự điềm tĩnh, sự nhẫn nại và cả tinh thần trách nhiệm “bác sĩ như mẹ hiền” Khoa cấp cứu – Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang.
Những gương mặt thấp thỏm
Những cái nhìn lo âu
Và sự tất bật của người thầy thuốc.

 

Câu chuyện của chúng tôi với BS Lê Thanh Bình – Trưởng khoa cấp cứu – BV viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang cứ ngắt quãng bởi những ca cấp cứu vừa nhập viện. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, BS Lê Thanh Bình đã tập cho mình thói quen nhẫn nại, sự phản ứng nhanh nhẹn và chính xác trong việc chẩn đoán và điều trị, nhằm mang lại sự sống cho người bệnh.

Tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa Trường đại học y dược Tp. Hồ Chí Minh năm 1991, BS Lê Thanh Bình được phân công về khoa cấp cứu – hồi sức Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang và đã gắn bó với khoa như một cơ duyên. Gọi là cơ duyên, bởi khi mới về công tác, lãnh đạo phân công là phải chấp hành, tuy nhiên sau vài năm gắn bó, BS Lê Thanh Bình đã quen với sự tất bật và hối hả của người BS cấp cứu. Chính vì lý do đó, năm 2000, để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, BS Lê Thanh Bình đã thi và theo học lớp chuyên khoa 1, chuyên ngành cấp cứu; đến năm 2007 tiếp tục học lớp chuyên khoa 2. Sau thời gian theo học, đến năm 2010, với kiến thức và khả năng chuyên môn của mình, BS Lê Thanh Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng khoa cấp cứu – BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đến nay. Hơn 20 năm gắn bó với khoa cấp cứu, BS Lê Thanh Bình và các đồng nghiệp đã cứu chữa cho hàng ngàn lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều ca thập tử nhất sinh bị thủng tim, bị đa chấn thương do tai nạn giao thông, bị tai biến…

BS Lê Thanh Bình – Trưởng khoa cấp cứu – Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang chia sẻ “ Trước kia khi mình về công tác là BS đa khoa. Sau hai năm học cấp cứu, thì thấy cấp cứu được nhiều bệnh hay quá, rồi mới đi trao dồi học thêm ở Bệnh viện Chợ rẫy. Năm 2000 theo học lớp chuyên khoa 1, chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Sau khi đi học về thấy kiến thức có lợi và áp dụng vào cho từng bệnh nhân mà trước đó ở bệnh viện không làm được, giờ thì áp dụng nó trở thành phổ thông và cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó, có rất nhiều anh em đồng nghiệp trong khoa theo học, cho nên khoa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Theo BS Lê Thanh Bình, không yêu nghề thì không thể trụ lại được ở khoa cấp cứu, bởi tại đây, áp lực từ tiếng báo động của các loại máy móc lúc nào cũng dồn dập, thân nhân đi kèm người bệnh thường ở trạng thái căng thẳng, sẵn sàng “bùng nổ” bất cứ lúc nào. Có khi, các y, bác sĩ vừa phải tiến hành cấp cứu, thao tác kỹ thuật chuyên môn để cố gắng cứu sống người bệnh, vừa phải nghe thân nhân của họ la mắng, thậm chí dọa nạt. Chính vì vậy, công tác ở khoa cấp cứu phải biết nhẫn nhịn, thậm chí nhiều đêm, những cú điện thoại hội chẩn khẩn cấp để hỗ trợ đồng nghiệp trong những ca bệnh khó là phải đi ngay. Và mỗi khi đến bệnh viện, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là phải quên hết mọi việc riêng tư.
 
    BS Lê Thanh Bình
đang thăm khám bệnh nhân tại phòng cấp cứu

BS Huỳnh Thị Phương Minh – Phó GĐ Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang nhận định “ Bác sĩ Lê Thanh Bình Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu rất nhiệt tình trong công việc, Anh đã sắp xếp công việc liên hoàn trong khi cấp cứu một cách hợp lý, giúp điều dưỡng xử trí kịp thời các trường hợp bệnh nhân nặng nhẹ khác nhau. Bác sĩ Bình rất chịu khó trong học tập; khi học xong lớp học thận nhân tạo về, Bác sĩ Bình cho triển khai ngay, càng ngày số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã được bệnh viện giải quyết đáp ứng kịp thời, Đặc biệt hơn, Bác sĩ Bình khi được giao công việc thì nhận ngay, không nề hà công việc, còn đối với các đồng nghiệp thì hợp tác rất tốt, nhờ vậy đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong thập tử nhất sinh như; bệnh thủng tim... Hiện Bĩ sĩ Bình đang học lớp cao cấp chính trị nhưng phải đảm nhiệm công việc hàng ngày của khoa”.

Cũng theo Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang, là khoa đầu sóng ngọn gió, bình quân mỗi ngày cấp cứu hơn 180 bệnh nhân, trong đó có khoảng 60 ca cho toa xuất viện, nhưng với sự điều hành, quản lý linh hoạt, BS Lê Thanh Bình cùng với các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, trở thành một trong những khoa phòng tiêu biểu của bệnh viện./.
 
Thanh Hoàng TT Truyền thông Giáo dục sức khỏe

Tương phản
Đánh giá bài viết(0/5)

Thông báo Thông báo

Liên kết web Liên kết web

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập:
-
Hôm nay:
-
Tuần hiện tại:
-
Tuần trước:
-
Tháng hiện tại:
-
Tháng trước:
-
Tổng lượt truy cập:
-